Theo TS Lê Ngọc Duy - trưởng khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương, sốt là phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và nấm...
Hầu hết sốt ở trẻ em là lành tính, tuy nhiên khi trẻ bị sốt, nhất là khi trẻ bị sốt cao co giật sẽ làm cho cha mẹ lo lắng không biết chăm sóc thế nào.
Dưới đây là lời khuyên của TS Lê Ngọc Duy đối với các phụ huynh.
Khi trẻ bị sốt, bạn nên:
- Để trẻ nằm ở nơi thoáng mát, sạch sẽ và mặc quần áo rộng.
- Cho trẻ uống nhiều nước. Khi trẻ sơ sinh bị sốt nên tăng số lần và số lượng bú. Với trẻ trên 1 tuổi có thể cho trẻ uống thêm nước trái cây, đặc biệt là các loại nước trái cây giàu vitamin C như nước cam, nước quýt, nước chanh...
- Lau người cho trẻ bằng khăn ấm, cách làm như sau: nhúng cả 5 cái khăn vào thau nước và vắt hơi ráo. Dùng 2 khăn lau ở 2 hõm nách, 2 khăn lau ở 2 bẹn và 1 khăn lau khắp người.
Chú ý: Không đắp khăn lên trán và cũng không đắp lên ngực. Cứ cách 2-3 phút thay khăn một lần. Theo dõi nhiệt độ nước, cho thêm nước nóng nếu thấy nước không còn ấm. Cứ cách 15 phút nên kiểm tra nhiệt độ của trẻ, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C.
Khi nào cần dùng thuốc hạ sốt?
Chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên. Nếu con bạn đã có tiền sử co giật do sốt, hãy sử dụng hạ sốt khi bé sốt trên 38 độ C.
Loại thuốc hạ sốt nào an toàn cho trẻ?
Thuốc hạ sốt thường dùng cho trẻ là paracetamol dạng gói, siro hoặc viên đặt hậu môn. Thuốc có hiệu quả sau khoảng 30 phút sử dụng và có tác dụng kéo dài khoảng 4 - 6 giờ, ít gây tác dụng phụ. Liều lượng 10-15mg/kg/1 lần.
Không nên phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cùng một lúc. Điều này không những không làm tăng thêm tác dụng mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể trẻ.
Có cần truyền dịch cho trẻ khi bị sốt?
Trường hợp trẻ sốt nhưng vẫn tỉnh táo, được bổ sung đủ nước bằng ăn uống thì không cần truyền dịch. Khi trẻ bị mất nước nặng, trẻ bỏ ăn uống thì cần truyền dịch và chỉ nên thực hiện ở cơ sở y tế đảm bảo hoặc ở bệnh viện.
Cần phải làm gì nếu trẻ bị co giật do sốt?
Khi sốt cao có thể dẫn đến co giật, đặc biệt là nhóm trẻ từ 6 - 18 tháng. Cơn co giật thường dưới 5 phút, sau đó trẻ tỉnh táo. Tuy nhiên, sốt cao co giật có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: ngạt thở, thiếu oxy lên não khiến não bị tổn thương... Khi trẻ bị sốt cao co giật, cha mẹ cần lưu ý:
Đặt trẻ nằm nghiêng một bên để đờm nhớt dễ chảy ra ngoài, tránh hít vào phổi.
Đặt hậu môn thuốc hạ nhiệt nhóm acetaminophen.
Lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Sau khi sơ cứu cho trẻ bị sốt cao co giật, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Khi nào cần đưa trẻ vào viện?
- Khi trẻ sốt cao trên 39,5 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt thì cần đưa vào viện.
- Trẻ sốt cao quá 2 ngày.
- Sốt ở trẻ dưới 3 tháng tuổi.
Khi trẻ sốt kèm một trong các dấu hiệu sau: kích thích hoặc li bì khó đánh thức, nôn tất cả mọi thứ, không ăn uống được, co giật, khó thở, phát ban hoặc tiểu máu...
Không nên làm gì khi trẻ bị sốt?
Không nên ủ ấm, mặc quần áo cho trẻ khi trẻ đang sốt vì càng làm thân nhiệt trẻ tăng cao.
Không nên nặn chanh vào miệng trẻ vì trẻ dễ bị rộp miệng, phỏng lưỡi, hoặc nghẹt thở.
Không dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt cho trẻ.
Không giật tóc, vỗ vào người trẻ khi trẻ đang bị co giật, vì sẽ khiến trẻ càng bị kích thích, co giật nhiều hơn.